Đời sống

Đời sống âm nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

0

Từ ống tre, ống nứa, đồng bào dân tộc đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ, tấu lên những giai điệu trầm bổng, làm phong phú đời sống tinh thần của mỗi tộc người.

Tôn vinh sáng tạo của các nghệ nhân và sức sống lâu bền của tre, nứa trong đời sống âm nhạc Việt, các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2017 dành riêng khu vực triển lãm và trình diễn các nhạc cụ này.

 

Từ xưa, người Ê Đê đã biết cách biến các chất liệu tự nhiên để tạo nên nhạc điệu ca ngợi cuộc sống. Lá cây, cọng lúa cũng phát ra âm thanh réo rắt hay một mảnh tre có thể tạo nhịp điệu trong những cuộc vui của đồng bào. Dù chưa thống kê hết nhạc cụ của người Ê Đê, nhưng ước chừng những nhạc cụ từ tre, trúc, nứa  với 3 loại: nhạc cụ dây, nhạc cụ hơi và nhạc cụ tự thân vang.

Nhạc cụ dây gồm: Goong Kham (Ê Đê), Roong rơla (Mơ Nông), Poong pang (Mường)… Nhạc cụ hơi là nhạc cụ khi được tác động bằng không khí để tạo ra âm thanh, bao gồm các loại Pí (Pí tam lang, Pí đôi, Pí ló, Pí thiu, Pí phắp (sáo nứa),…), khèn (dân tộc Thái, Tà ôi, Pa cô..), K’long put (dân tộc Ba-Na, Xê-Đăng). Nhạc cụ tự thân vang gồm mõ, t’rưng (dân tộc Ba-Na, Gia Rai, Xê-Đăng….

Từ ống nứa, hoặc trúc, đồng bào có thể tạo ra sáo nứa hoặc sáo mèo với âm thanh du dương vang xa; hay từ những ống nứa, các cô gái Mường dùng để múa sạp, tạo nên nhịp điệu rộn ràng. Ở một số nơi, đồng bào tạo chiêng gió bằng cách treo các ống tre có độ dài ngắn khác nhau theo chiều thẳng đứng, khi gió thổi qua tạo tiếng va đập vui tai; cho tới hệ đàn cấu tạo phức tạp như T’rưng, Kloongput dùng sức vỗ của bàn tay trước miệng ống tre tạo thành giai điệu…

Các nhạc cụ bằng tre, nứa từ lâu đã trở nên quen thuộc trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Khi về miền quê, hay lên vùng núi phía Bắc hoặc vùng cao Tây Nguyên, ta đều thấy sự xuất hiện của các nhạc cụ làm từ tre, nứa, phong phú về hình thức, đơn giản về chất liệu, nhưng lại mang tới các âm sắc rất đặc trưng, gắn với bản sắc văn hóa của từng tộc người.

 

Được tạo nên từ vật liệu thô sơ, sẵn có mọi nơi, nhưng các nhạc cụ từ tre, nứa lại có khả năng tạo ra những giai điệu cuốn hút người nghe. Ngoài diễn tấu độc lập, các nhạc cụ còn được sử dụng kết hợp với các loại hình nghệ thuật dân gian khác như múa, hát… nên rất gắn bó với cuộc sống lao động sản xuất, và không thể thiếu trong nhiều nghi lễ, ngày hội của mỗi miền, mỗi địa phương.

Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, dân tộc Thái (Nghệ An) cho biết: Từ lâu đời, tre nứa đã được đồng bào Thái chế tác thành nhạc cụ, và còn truyền tới đời nay hàng chục loại, với những âm thanh đặc trưng. Như đàn Xi Xa Lo (hay đàn Xò Lò) – nhạc cụ họ dây duy nhất của người Thái, kết hợp từ ống nứa, dây đàn bằng sắt hoặc bằng tơ… do nam giới sử dụng, ngoài dùng để độc tấu còn có thể sử dụng hòa tấu hoặc đệm cho các bài hát trong ngày vui, lễ hội…

Qua âm điệu da diết, chứa chan tình cảm của tiếng đàn Xi Xa Lo mà biết bao chàng trai, cô gái Thái đã nên duyên vợ chồng. Hay đàn tập tinh không thể thiếu trong lễ cầu mùa của người Thái, cũng chỉ làm từ một ống nứa. Các nghệ nhân xưa đã khéo léo chế tác, vát trên thân nứa để tạo tiếng vang như trống, rồi tách trên thân nứa thành những sợi mảnh mô phỏng tiếng chiêng.

Tập tinh được người Thái dùng thay tiếng trống, tiếng chiêng trong những hoàn cảnh nhất định, như khi nghỉ ngơi sau những giờ làm trên nương, rẫy, chỉ 15 phút, người thạo làm có thể tạo ra chiếc đàn tập tinh tấu lên những bản nhạc say đắm, hòa âm giữa đại ngàn…

Qua hàng nghìn năm lịch sử, nhạc cụ tre nứa vẫn ngân vang trong đời sống đương đại, thể hiện tiếng lòng, ước mơ, khát vọng của đồng bào các dân tộc. Nó cũng trở thành cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa đồng bào dân tộc này với dân tộc khác. Qua đó, các giá trị tinh thần vô giá và sáng tạo của cha ông đã được truyền lại, tạo nên sự phong phú và độc đáo cho nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Xem thêm:

Du lịch đảo Lý Sơn – điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua

Previous article

Mách bạn cách làm sữa chua dẻo mát, mịn và cực ngon bằng nồi cơm điện

Next article

You may also like

Comments

Leave a reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *